Đăng nhập

 Skype    |     Zalo    |     Zalo    |    Tiếng Việt Tiếng Việt    |    English English

Tin công trình

Nghề chế tạo cơ khí ở LILAMA 45.1 (12/06/2011)

 

 Chế tạo thiết bị cơ khí là thế mạnh của những đơn vị nhận thầu xây lắp các công trình công nghiệp. Nhưng trong cơ chế thị trường hiện nay những đơn vị  chế tạo thiết bị cơ khí trong nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như trang thiết bị còn nghèo chưa đồng bộ, giá cả vật tư, xăng dầu tăng cao, biến động mạnh. Mặt khác chế tạo thiết bị cơ khí đòi hỏi phải có tiềm năng về khoa học kỹ thuật thì mới đáp ứng nhu cầu cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh. Công ty Cồ phần LILAMA 45.1 những năm gần đây đã khẳng định được mình tự đi lên trong hoàn cảnh đó. Nhà máy cơ khí của công ty diện tích gần 17 ha, nằm giữa khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 tỉnh Đồng Nai. Tự thân vận động trong những năm qua nhà máy đã chế tạo hàng chục ngàn tấn thiết bị kết cấu thép cho các công trình trọng điểm như xi măng, nhiệt điện, thuỷ điện, hoá chất, lọc dầu.. Không những vậy còn vươn ra nước ngoài như chế tạo thiết bị vỏ lò hơi nhà máy nhiệt điện cho tập đoàn MHI Nhật Bản, tháp điện gió cho New Zealand, Ấn Độ, Trung Đông… Năm 2011 công ty nhận hợp đồng gia công chế tạo 13.000 tấn thiết bị cho các công trình trọng điểm trong nước đã có trên 50% đặt hàng chế tạo tại nhà máy Cơ khí Lilama 45.1, số còn lại chế tạo ngay trên các công trình mà công ty nhận thầu thi công lắp đặt.

 

 

 

Tại phân xưởng chính của nhà máy hàng chục thợ hàn đang đồng loạt nhả lửa, khói hàn, ánh lửa đan quyện vào nhau, che lấp những người thợ lúc ẩn, lúc hiện đẹp kỳ vĩ huyền thoại như trong mây. Tổ trưởng tổ hàn Phạm Văn Dương tuổi gần bốn mươi gạt mồ hôi nở nụ cười tươi rói Anh nói “Nay mình làm trong nhà xưởng đỡ nóng hơn nhiều, đôi khi hàn trên sàn bê tông trời nóng như đổ lửa mà lại phải chui vào trong ống để hàn chỉ vài chục phút sau nóng quá bò ra ngoài người ướt mèm như tắm vậy, thế mà nghỉ mấy ngày không hàn tay chân cứ bứt rứt thế nào ấy, tôi yêu cái nghề này thấy thiếu mùi thuốc hàn là nhớ hàn như nhớ vợ vậy ” Anh Dương kéo tay tôi gặp Cán bộ trẻ, Giám đốc nhà máy kỹ sư Đinh Viết Sơn đã có trên 15 năm gắn bó với nghề chế tạo thiết bị cơ khí, Anh nói: “Nhà máy của chúng tôi có quy mô trang thiết bị hiện đại, thường xuyên duy trì hệ thống quản lý chất lượng ISO -9001 và áp dụng tiêu chuẩn chất luợng ASME ( Hiệp hội cơ khí Mỹ ). Đặc thù chính của nhà máy là gia công chế tạo theo hợp đồng thời vụ, đôi khi phải thi công liên tục cả ngày lẫn đêm cho kịp với thời gian hợp đồng, nhưng có khi cũng phải len lỏi trên khắp thị trường để tìm kiếm việc làm. Mất một vài năm nhà máy đã có nhiều khó khăn về việc làm song 02 năm gần đây đổi mới cánh nghĩ, cách làm, như khoán gọn sản phẩm theo hợp đồng có khiểm soát và nhận thầu cả những hợp đồng nhỏ lẻ vì vậy nhà máy đã có nhiều việc làm hơn”.

 

 

Anh Sơn còn cho biết hiện nay nhà máy có trên 400 công nhân đang làm việc chủ yếu tâp trung gia công chế tạo thiết bị kết cấu thép nhà tua bin nhiệt điện Vũng Áng 1 và một số dự án khác như Xi măng Thăng Long, thép Pomina, bồn Toyo, Gas Việt Nhật, nhiệt điện Nghi Sơn, Nhơn Trạch 2… Tổ trưởng, thợ giỏi bậc 7/7 Trương Xuân Tiến dáng người đậm chắc từ trong ống côn tay áo chui ra mồ hôi ướt đầm bắt tay tôi nói: “ Tổ chúng tôi vừa chế tạo xong bàn giao cho công ty TNHH Gas Việt Nhật 02 bồn áp lực lớn chứa khí Ôxy, chất luợng theo tiêu chuẩn ASME, dung tích 125m3, đường kính 3m, dài 19m, áp suất thiết kế 27 bar ”. Được biết tổ của anh có nhiều kinh nghiệm chế tạo thành công nhiều thiết bị cơ khí phức tạp đòi hỏi tính kỹ thuật cao như quạt gió hầm Hải Vân, thiết bị cửa van thuỷ điện, bồn chứa Gas, Tháp điều áp các nhà máy hoá chất… Như vậy anh thấy có gì khó tôi hỏi, Anh Tiến cười “ Về kỹ thuật chế tạo thiết bị cơ khi như lò hơi, bồn bể chịu áp lực, chịu nhiệt… là những thiết bị đòi hỏi tính kỹ thuật cao, người thợ tham gia thi công phải là những kỹ sư giỏi, công nhân lành nghề, nhưng chúng tôi đã làm nhiều, quen rồi thì không khó, vấn đề khó chính là giá cả của công ty chúng tôi thường cao hơn các đơn vị khác nhưng tôi khảng định sản phẩm sẽ chất luợng hơn. Mặt khác tiền lương mình phải lo cho mọi người trong tổ người thấp nhất cũng phải năm triệu trở lên/người nhiều thì phải tới hàng chục mà nghề cơ khí của chúng tôi thì Anh biết rồi đó đòi hỏi độ chính xác  đến từng mm đâu có thể thêm bớt được”. Ở góc bên trái của phân xưởng chính nhóm trưởng Trần Minh Thái bậc 6/7 đang điều khiển máy uốn lốc thép tấm để gia công thân đối trọng của tháp điện gió. Thật là không tưởng tượng nổi, thép gì mà nhìn dày cứ như các phến gỗ vậy tôi hỏi. Anh Thái cho biết “ Thép chịu lực của chủ đầu tư cấp, dày 95 mm, hôm nay mình lốc đường kính tròn 2,2m. Chưa căng, công suất của máy này có thể lốc tôn dày 100 mm cuốn tròn được đường kính 1m, vì vậy nhiều nơi không có máy lốc công suất lớn, phải chuyển về Lilama 45.1 để lốc ”.

 

 

Sàn thao tác gia công ngoài trời có ba cần cẩu cổng, chiếc KC lớn nhất có sức nâng 50 tấn đang tổ hợp thân bồn chịu áp, hai chiếc kia nhỏ hơn đang tổ hợp vì kèo và các dầm thép lớn chuyển về khu vực làm sạch bề mặt,  sơn chống ăn mòn kim loại. Từng khu vực  được phân chia ranh giới rõ ràng bởi các biển bảng theo quy trình ISO. Đặc biệt về công tác an toàn lao động, nhà máy có hàng chục năm tuổi nhưng vẫn luôn là đơn vị an toàn lao động tốt. Kho bãi nhà máy đã chật cứng thiết bị, nhưng vẫn có những khoảng đất trống dành cho cây xanh và các thảm thực vật khi đi làm về công nhân phần nào thư giãn sau giờ lao động . Nay là ngày cuối tuần cuộc họp giao ban chiều của nhà máy, Tổng giám đốc Công ty Nguyễn Hữu Thành về họp Anh nói “Do nhận được nhiều hợp đồng về gia công chế tạo và lắp đặt thiết bị các công trình nên giá trị sản lượng của công ty Cổ phần Lilama 45.1 năm 2011 dự kiến đạt  800 tỷ đồng vượt trội  năm 2010 là 29%, về doanh thu năm 2011 công ty dự kiến đạt 450 tỷ đồng”.

 

Bước chân ra khỏi nhà máy cơ khí LILA MA 45.1 trong đầu tôi vẫn hiện hiện hàng trăm ánh lửa hàn chói sáng nhẩy múa như một rừng hoa công nghiệp và nổi trội hơn là những công nhân thấm đẫm mồ hôi, họ đang cần mẫn với nghề chế tạo thiết bị cơ khí là một nghề đặc chủng, một nghề mũi nhọn trong công nghiệp. Hiện nay tỷ lệ chế tạo thiết bị cơ khí trong nước mới chỉ chiếm từ 15 đến 20% hy vọng những kỹ sư giỏi những công nhân lành nghề ở Lilama 45.1 và nhiều nơi khác nữa ngày càng được nhân lên, làm ra sản phẩm cơ khí nhiều hơn, sáng tạo hơn, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp  hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Bài và ảnh: Viết Bình

Tin khác